Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác giám sát của các Ban HĐND tỉnh được tiến hành thường xuyên, không ngừng được cải tiến về nội dung và hình thức, nâng lên về chất lượng và hiệu quả giám sát. Các Ban tập trung, dồn sức cho công tác giám sát theo chuyên đề, đồng thời, cũng thường xuyên giám sát thông qua các hình thức khác như: xem xét các báo cáo của UBND tỉnh, của các sở, ngành; xem xét các báo cáo, chất vấn tại kỳ họp và giữa các kỳ họp…Các chuyên đề giám sát được thực hiện theo Nghị quyết của HĐND và sự phân công của Thường trực HĐND. Qua các cuộc giám sát các Ban HĐND đều có báo cáo, khẳng định những ưu điểm và những kết quả nổi bật, nêu những khó khăn, hạn chế chủ yếu trong quá trình thực hiện, kiến nghị đến HĐND - UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng những giải pháp cụ thể, thiết thực để góp phần khắc phục những khó khăn, hạn chế đó.

Từ những việc đã làm được và chưa được, sau đây xin nêu một số kinh nghiệm thực tiễn trong công tác giám sát của Ban HĐND như sau:

Trước hết, vấn đề có ý nghĩa quyết định đến chất lượng và hiệu quả của công tác giám sát là chọn chủ đề giám sát phải thiết thực và phù họp với yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương trong từng thời điểm, được các ngành các cấp và dư luận xã hội quan tâm. Muốn vậy, các Ban của HĐND phải thường xuyên tổ chức thu thập, tích lũy và phân tích các nguồn thông tin nhiều chiều có liên quan, xem xét, đánh giá vấn đề một cách thận trọng, khách quan, phù hợp với tình hình và dự báo xu hướng phát triển của vấn đề. Trên cơ sở đó, các Ban của HĐND xác định đúng những vấn đề quan trọng và bức xúc cần phải tổ chức giám sát chuyên đề, nhất là những chủ trương, nghị quyết còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, những vấn đề còn nhiều khó khăn, bất cập liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Điều cần lưu ý thêm là khi chọn chủ đề giám sát, không nên chọn chủ đề quá rộng và việc xử lý những khó khăn, vướng mắc lại không thuộc thẩm quyền và khả năng của địa phương.

Kế hoạch giám sát nhất là nội dung giám sát phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm của chủ đề giám sát; nội dung yêu cầu báo cáo phải được xây dựng chi tiết, dễ hiểu, nêu rõ những nội dung, số liệu hoặc thông tin cần được cung cấp…; mốc thời gian yêu cầu báo cáo và thời điểm gửi báo cáo phải hợp lý để cơ quan chịu sự giám sát đủ điều kiện chuẩn bị, đáp ứng đúng theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Việc chọn thời điểm giám sát phải phù hợp với yêu cầu giám sát, với khả năng đáp ứng của cơ quan chịu sự giám sát, đồng thời cũng cần đảm bảo tính thời sự của vấn đề.

Chọn đối tượng chịu sự giám sát phải vừa mang tính tổng hợp, vừa mang tính điển hình cho chủ đề giám sát (có thể chọn các đơn vị khá, trung bình, yếu để giám sát). Vừa giám sát cơ quan quản lý chung để có cơ sở đánh giá tổng quát tình hình, vừa giám sát đối tượng trực tiếp thực hiện hoặc chịu sự tác động của vấn đề để làm cơ sở xem xét, đánh giá kết quả việc tổ chức thực hiện. Đối với những cuộc giám sát về một vấn đề cụ thể thì không nhất thiết phải chọn đủ các đối tượng nói trên.

Thành phần Đoàn giám sát phải tinh gọn. Ngoài thành viên Ban, tùy theo từng chủ đề, có thể mời đại diện Ban khác của HĐND tham gia; đối với những vấn đề lớn, phức tạp hoặc có tính chuyên môn sâu thì có thể mời đại diện những ngành, những cá nhân có năng lực, có kinh nghiệm, am hiểu sâu về lĩnh vực đó tham gia.

Ban KT - NS giám sát tình hình thực hiện dự toán ngân sách tại sở TN&MT tỉnh
Qua giám sát phải đánh giá đúng thực trạng tình hình, các kiến nghị phải phù hợp với các văn bản pháp luật và có tính khả thi. Muốn vậy, phải nắm chính xác, đầy đủ những văn bản hiện hành và tình hình thực tế có liên quan để làm cơ sở so sánh, đối chiếu. Mặt khác, sau giám sát, phải kiên trì đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các kiến nghị của các cơ quan, đơn vị liên quan. Đối với những kiến nghị chậm được thực hiện hoặc thực hiện không đến nơi, đến chốn, thì Ban HĐND có thể tiếp tục tổ chức Đoàn giám sát việc tổ chức thực hiện các kiến nghị đó hoặc sẽ đề cập trong báo cáo thẩm tra hay thực hiện chất vấn tại các kỳ họp HĐND… Đối với những vấn đề lớn, nổi cộm, chậm thực hiện thì cần thiết có sự tham gia của Thường trực HĐND.

Giám sát là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của Thường trực, của các Ban và đại biểu HĐND. Đây là công việc có tính khoa học và thực tiễn sâu sắc, rất cần được các vị đại biểu HĐND, các cá nhân gắn bó với HĐND quan tâm, tiếp tục nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm để làm cơ sở vận dụng vào hoạt động giám sát của HĐND. Thiết nghĩ, đây cũng là việc làm thiết thực để góp phần vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực của HĐND trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Chung Tấn Hướng

Nhận xét

Bài liên quan